Công nghiệp sản xuất Việt Nam hướng tới ngành công nghiệp 4.0

Ngày đăng: 18/04/2017
“Nguồn nhân lực của Việt Nam đã sẵn sàng để học hỏi và bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 là việc phải bắt đầu, mặc dù chỉ là những bước nhỏ với việc lập ra chiến lược, dự án thí điểm… Cuộc hành trình cần được bắt đầu”.

Đó là chia sẻ của ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex tại buổi họp báo giới thiệu các hoạt động của triển lãm chuyên ngành “Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2017” với nội dung “Công nghiệp sản xuất Việt Nam – hành trình hướng tới ngành công nghiệp 4.0”, do Công ty Reed Tradex tổ chức tại Hà Nội, ngày 23/3.


Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex phát biểu tại buổi họp báo

Ông Isara Burintramart cũng nhấn mạnh về tính năng động của nền công nghiệp Việt Nam – “Đó là nền sản xuất đã chuyển từ các danh mục sản xuất truyền thống sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể của ngành công nghiệp Việt Nam, và hiện nay vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, khi mà cả thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0”.

Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sau ba đợt sóng đầu tiên bắt đầu từ cơ giới hóa với sức mạnh hơi nước, sản xuất hàng loạt với động cơ điện, tự động hóa bằng máy tính. Công nghiệp 4.0 còn được gọi là “nhà máy thông minh”, đây là lĩnh vực đầu tư nằm trong danh sách ưu tiên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là sự kết hợp hiệu quả của các công nghệ mới xuất phát từ mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT) đến đám mây, phân tích, robot, công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo. Theo ông Isara Burintramart, việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp giảm 3,6% chi phí hoạt động và tăng hiệu suất 4,1%/năm.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) chia sẻ: “Tính khả thi của công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản nhưng cần thực hiện ngay. Thiết yếu nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ. Và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ để tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp, tránh đầu tư chồng chéo”.

Ban tổ chức cho biết, Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo diễn ra từ ngày 26 đến 28/4, cùng với Triển lãm Vietnam Sheet Metal và Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thu hút hơn 200 thương hiệu công nghiệp hàng đầu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với 5 khu gian hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Đài Loan.

Vietnam Manufacturing Expo 2017 trở lại với những công nghệ tiên tiến mang tính ứng dụng cao, tập trung vào công nghệ đo lường và lắp ráp tự động hóa, đây được xem là một phần quan trọng của công nghiệp 4.0. Các thương hiệu hàng đầu về công nghệ đo lường, lắp ráp tự động hóa như Hexagon, Nikon, Scantech, Wenzel, Misumi… sẽ giới thiệu những công nghệ phục vụ sản xuất thông minh tại chương trình.

Tại Vietnam Manufacturing Expo 2017, VAMI và Công ty ReedTradex phối hợp tổ chức hội thảo “Những ứng dụng thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm cơ khí” với sự tham gia của 100 doanh nghiệp cơ khí. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu cao về kỹ thuật hàn và chế tạo tại triển lãm cũng sẽ diễn ra “Cuộc thi tay nghề thợ hàn”.