0944 177 362 | vihemdanang@gmail.com
Trang chủ > Tin tức > Chế tạo động cơ điện

Chế tạo động cơ điện ta thấy kết cấu khá đơn giản, tuy nhiên để cho các động cơ điện hoạt động tốt là cả một loạt vấn đề. Đó cũng là nhận thức chung đối với tất cả các loại máy móc thiết bị chứ không riêng gì động cơ điện.

Một động cơ điện tốt hay ngược lại có nhiều yếu tố. Có nhiều ý kiến về vấn đề này, nhưng trên quan điểm nào đó ta có thể coi các yếu tố chính gồm: Thiết kế, công nghệ , kinh nghiệm và vật liệu.

Chúng tôi không có ý định đi sâu vào từng khâu của quá trình sản xuất ra động cơ điện mà chỉ nêu những nét vắn tắt để bạn đọc khách hàng nắm được những điều cần thiết khi muốn tiếp cận với động cơ điện như  tìm hiều, mua, chọn địa chỉ, người tư vấn, tham  khảo chất lượng, giá cả v.v…

Thiết kế động cơ điện :

Người thiết kế có nhiệm vụ tính toán, lên bản vẽ hoàn chỉnh một động cơ điện để đảm bảo các yêu cầu sau đây:

– Đảm bảo độ bền cơ học: động cơ điện có độ cứng vững cao để khi chạy không bị rung lắc quá mức cho phép, các chi tiết không bị phá hỏng do chịu tác động của lực từ phía phụ tải (lực xoắn đối với trục và cả khối rôto, lực cắt then, lực điện từ và lực li tâm của phần tử dẫn điện trong rôto, lực điện từ lên dây quấn stato cũng như cả khối stato…)

– Đảm bảo độ bền điện : Trong quá trình làm việc động cơ điện không bị chạm chập giữa các vòng dây, chạm chập cuộn dây giữa các pha, giữa cuộn dây với vỏ. Cuộn dây phải chịu được dòng điện của động cơ ở chế độ định mức hoặc quá tải có thời gian cho phép, lõi thép không phát nóng quá mức do dòng fucô.

– Đảm bảo độ bền nhiệt : Qúa trình làm việc thì động cơ điện phát nhiệt do ma sát trong ổ lăn, do dòng điện fucô trong lõi thép, điện trở của cuộn dây. Sự phát nhiệt quá mức làm cho vật liệu cách điện giảm tuổi thọ, mất dần khả năng cách điện dẫn đến cháy cuộn dây .

– Đảm bảo  độ bền do tác động môi trường: như độ ẩm, bụi, hoá chất .

– Đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả trong vận hành : đây là yêu cầu chính và có liên quan đến mọi yếu tố tạo thành, tức động cơ điện mang đủ công suất như ghi trên nhãn, tuổi thọ cao, ít hư hỏng và hiệu suất cao (tức tổn hao điện ít)

Công nghệ chế tạo động cơ điện :

Thực chất đây là các bước và biện pháp tạo ra các chi tiết, xử lý, lắp ráp thử nghiệm … để có được động cơ điện hoàn chỉnh, nghĩa là thực hiện được ý đổ của thiết kế .

Nhìn tổng quan thì công  nghệ chế tạo động cơ điện có các công đoạn như sau:

Chế tạo vỏ : chủ yếu đúc thân & các nắp, vật liệu thông dụng là gang. Đối với động cơ lớn có thể  dùng vật liệu là thép hàn. Những động cơ loại nhỏ cũng có thể  dùng vỏ bằng vật liệu khác như nhôm hợp kim.

Dập lá thép : dùng phương pháp dập để tạo các lá thép (tôn silic dày 0.5mm) có hình đĩa tròn, có rãnh để đặt các phần tử dẫn điện. Lá thép có hai loại: lá thép rôto & lá thép stato. Sau khi dập người ta ép lá tôn  lại thành hình và kích thước  của rôto & stato.

Làm roto động cơ : (ví dụ rôto lồng sóc): Sau khi ép lá tôn người ta đúc nhôm điền đầy các rãnh của lõi thép tạo thành một “lồng sóc” gồm các  thanh dẫn nằm trên mặt trụ rôto và hai vòng ngắn mạch hai đầu. Sau khi đúc nhôm thì ép trục vào. Trục thép được gia công riêng  có then ở đầu  & then ở vị trí ghép với lõi tôn silic. Như vậy rôto gồm 3 phần ghép là khối lá thép, lồng sóc nhôm & trục . Để hoàn thiện phải qua  một số động tác xử lý kích thước lắp ghép, cân bằng  động .

Làm stato động cơ điện : Sau khi ép lá thép stato như nói trên, người ta thực hiện tiếp như sau :

Quấn dây : dùng máy để quấn cuộn dây theo thông số kỹ thuật của thiết kế.Vật liệu cuộn dây là dây đồng bọc cách điện thường có tiết diện tròn. Những động cơ lớn thường dùng dây đồng có tiết diện chữ nhật (hay gọi là dây dẹt).

Lót cách điện : dùng giấy cách điện lót vào rãnh để tạo lớp cách điện giữa lõi thép và cuộn dây.

Lồng dây : là lồng cuộn dây đã quấn vào trong rãnh đã lót giấy cách điện. Sau khi lồng, cuộn dây được cố định chắc vào rãnh bằng các nêm, các vị trí khác được cố định bằng dây chuyên dùng, các đầu dây ra (đầu nối  hộp cực) cũng được lựa chọn quy cách và cố định với cuộn dây chắc chắn.

Tẩm sấy : người ta nhúng toàn bộ cụm stato vào một dung dịch gọi là sơn cách điên. Trước khi nhúng, cụm stato được sấy để loại bỏ hết ẩm và có đủ độ nóng để sơn cách điện loãng & điền đầy vào các khoảng không cuộn dây. Nếu là tẩm chân không thì quá trình tẩm được thực hiện trong buồng chân không, khi đó toàn bộ không khí được hút ra và sơn sẽ điền đầy khoảng không trong cuộn dây gần như tuyệt đối. Khi tẩm chân chân không thì độ  cách điện cuộn dây tốt hơn. Sau khi tẩm, cụm stato được sấy trong lò sấy cho đến khi khô, lúc này sơn cách điện tạo thành một khối keo khô cứng  nó có tác dụng cách điện, chống ẩm và giữ chắc cuộn dây trong stato, đồng thời khối sơn là môi trường trung gian dẫn nhiệt của cuộn dây ra lõi thép ra vỏ rồi được hệ thống làm nguội tải ra môi trường.

Gia công cơ khí chế tạo động cơ điện: Khâu gia công cơ khí trong chế tạo động cơ điện khá nhiều, hầu như các máy điều khiển CNC, máy đúc, máy cắt gọt kim loại đều được sử dụng như tiện, mài, phay, bào, doa, rèn dập, căt, ép…chúng được dùng để tạo phôi, gia công các chi tiết, bề mặt lắp ghép của động cơ điện ; gia công các dụng cụ, khuôn mẫu, đồ gá…phục vụ cho quá trình chế tạo.

Lắp ráp động cơ điện : Sau  khi hoàn chỉnh các chi tiết và các cụm chính ( rôto, stato) đến bước lắp ráp động cơ. Bao gồm ép cụm stato vào thân, lắp các ổ đỡ vào trục, lắp lồng roto & stato, lắp các loại nắp, quạt gió làm mát, xác đinh cực tính đầu đấu dây ra hộp cực, sơn trang trí.

Kiểm tra, thử nghiệm động cơ điện : Kiểm tra, thử nghiệm động cơ là phần việc rất quan trọng. Trong sản xuất không phải chi tiết bộ phận hay sản phẩm nào cũng đạt yêu cầu kỹ thuật dù được gia công lắp ráp cùng một quy trình. Công tác kiểm tra, thử nghiệm là nhằm loại bỏ những chi tiết bộ phận hoặc sản phẩm ra khỏi dây chuyền lắp ráp hoặc danh sách nhập kho. Phần nữa công tác kiểm tra thử nghiệm cũng phát hiện ra những điểm yếu trong quá trình sản xuất giúp doanh nghiệp đưa ra được biện  pháp khắc phục. Kiểm tra thử nghiệm động cơ điện  có thể chia thành 3 giai đoạn :

Kiểm tra sản phẩm mới : là kiểm tra loạt sản phẩm sản xuất lần đầu ( sản xuất thử ) trước khi sản xuất hàng loạt.

Kiểm tra quá trình: là kiểm tra kích thước hay tham số tất cả các chi tiết, cụm chi tiết trong quá trình gia công, ví dụ: kiểm tra  kích thước & dung sai trục, thử sức chịu điện cao áp cuộn dây sau khi tẩm sấy, kiểm tra sau khi lắp ráp chạy thử.

Kiểm tra xuất xưởng : Đây là bước kiểm tra cuối cùng, người ta xác định lại các tham số chính như công suất, dòng điện, hiệu suất, vòng quay.

– Ngoài các bước  kiểm tra như trên, nhà sản xuất còn phải kiểm tra vật liệu của nhà cung ứng trước khi sử dụng

Kinh nghiệp chế tạo động cơ (Morto)điện

Có người nói kinh nghiệm là cái có được sau những thất bại, cái có được sau một quãng thời gian, do trải nghiệm, do học hỏi tìm tòi vv…

Dù nói thế nào cũng đúng. Bởi thấy rằng nếu quan niệm cứ theo bản vẽ, có thiết bị, có người giỏi thì máy móc gì cũng làm được là sai lầm .

Cho nên trong mọi lĩnh vực thì kinh nghiệm là yếu tố vô cùng quan trọng, ở góc độ hay trường hợp cụ thể có thể là yếu tố quyết định của thành công.

Vật liệu chế tạo động cơ điện

Vật liệu đặc trưng trong chế tạo động cơ điện (thường gọi chung là vật liệu điện) gồm là:

– Gang vật liệu dùng đúc cho thân động cơ điện

– Vật liệu từ tức thép lá kỹ thuật điện (tôn silicdày 0.5mm)

– Nhôm thỏi được dùng đúc roto cho động cơ

– Vòng bi được ép trên hai đầu trục roto động cơ

– Vật liệu làm dây quấn động cơ : dây đồng bọc emay cách điện.

– Vật liệu cách điện gồm các loại giấy cách điện, sơn tẩm cách điện, tấm bakelit…

Nguồn Vihem.vn

Bài viết liên quan